Vẫn có thể mua được nhà Hà Nội dù chỉ có trong tay 1/8 số tiền
Đã có lúc tôi vô cùng bế tắc vì bị từ chối. Nhưng cuối cùng tôi thấy mình là người rất may mắn vì gặp được nhiều người quen tốt. Và nhất là, nếu tôi không liều cứ chờ đến khi gần đủ tiền mới mua nhà thì có lẽ chả bao giờ tôi có thể mua được.
Dưới đây là câu chuyện mua nhà mà chị Hương, Hà Nội chia sẻ:
Tôi lấy chồng là một giáo viên còn tôi làm công tác tuyên truyền trong một cơ quan của nhà nước. Khi mới lấy nhau, tổng lương của chúng tôi chỉ khoảng hơn 10 triệu/tháng. Bên cạnh lương, thỉnh thoảng hai vợ chồng cũng làm thêm để tăng thu nhập nhưng không được lâu bền, dù cũng có thời gian khoản thu nhập từ làm thêm nhiều hơn làm chính. Chồng tôi dạy thêm, còn tôi viết bài cộng tác cho các báo, dịch sách và làm dự án part-time. Ngoài ra, khi dư dả tiền một chút, tôi lại đầu tư vàng hay cổ phiếu, mỗi lần lướt sóng cũng kiếm được mấy trăm nghìn đến vài triệu tiền lời.
Năm 2007, sau khi cưới nhau chúng tôi đã tích lũy được khoảng 50 triệu. Bố mẹ cũng hứa sẽ cho chúng tôi một khoản nhỏ nếu mua nhà. Vì thế, chúng tôi quyết định đi xem vài miếng đất ở ngoại thành như khu Lĩnh Nam hay Hà Đông. Khi đó, chúng tôi cũng tìm được mấy căn hộ chung cư tái định cư nhưng thấy còn thiếu quá nửa số tiền nên dừng ngay. Một phần cũng vì thời gian này chúng tôi vẫn được ở nhờ nhà bác ruột. Bác nói không lấy tiền thuê nhà, tuy nhiên chúng tôi vẫn đều đặn gửi bác một triệu mỗi tháng để bác ăn sáng.
Sau đó, chúng tôi rất bất ngờ khi cơn sốt đất xuất hiện khiến giá nhà đất Hà Nội tăng lên chóng mặt. Tôi nhớ, đến năm 2011 thì giá cùng một bất động sản thậm chí đã tăng gấp 2-3 lần so với giá năm 2007. Lý do này khiến tôi cảm thấy nên quyết tâm mua nhà. Thế nhưng, sau mấy năm trời, khoản tiền tiết kiệm của chúng tôi chẳng tăng thêm là bao, chỉ được hơn 100 triệu, một phần cũng là do tôi sinh liền hai đứa con.
Vào thời điểm cuối năm 2010, tôi được giới thiệu chương trình mua nhà ở xã hội, giá căn hộ trong dự án này là 13,2 triệu/m2. Bố mẹ hứa sẽ rút hết khoản tiết kiệm để cho tôi 100 triệu. Còn nếu bí quá, bố mẹ tôi sẽ thế chấp nhà ở quê để vay ngân hàng cho chúng tôi. Bên nhà chồng khó khăn hơn nên chỉ động viên chúng tôi về mặt tinh thần.
Đến năm 2011, hồ sơ mua nhà ở xã hội của tôi được duyệt. Khi bốc thăm nhận nhà, tôi chỉ cầu mong sao sẽ nhận được căn diện tích nhỏ nhất để bớt áp lực vay nợ, nhưng cuối cùng tôi lại bốc trúng một căn hơn 60m2. Ngay sau khi có kết quả bốc thăm, chúng tôi phải đóng 20% giá trị căn nhà. Khoản tiền tiết kiệm và tiền bố mẹ cho vẫn dư để chúng tôi vượt qua bước một dễ dàng.
Ba tháng sau, chúng tôi phải đóng tiếp 10% giá trị căn hộ. Lúc này, tôi có một khoản tiền nhưng ở dạng cổ phiếu mà giá của nó đang giảm. Một anh bạn đồng nghiệp thấy vậy khuyên tôi đừng bán cổ phiếu ngay mà đồng ý cho chúng tôi vay tiền. Tôi cũng vay thêm hai cô bạn thân được một cây vàng (khoảng 40 triệu). Sau đó, ngay khi cổ phiếu tăng giá, tôi đã bán đi lấy tiền trả anh bạn đồng nghiệp.
Đến lần đóng tiền thứ ba, cũng 10%, tôi lại tiếp tục đi vay mượn người quen. Trước khi đến kỳ hạn đóng tiền 10 ngày, tôi hỏi ướm những người mình định vay, đề phòng nếu không ai cho vay thì sẽ làm thủ tục ngân hàng. Tôi cũng nói trước với mọi người là mình sẽ vay hơi lâu một chút. Lúc này dù vẫn có 10 triệu tiết kiệm dạng trực tuyến nhưng tôi vẫn cố gắng giữ lại đề phòng trường hợp con nhỏ ốm đau, khi cần có thể dùng ngay lập tức. Rất may mắn là sau khi đánh tiếng, trong số 10 người thì có 5 người đồng ý cho tôi vay tiền. Vậy là đợt đóng tiền thứ 3 với 80 triệu đã được giải quyết ổn thỏa.
Theo cam kết của chủ đầu tư thì khoảng giữa năm 2012, chúng tôi sẽ được nhận nhà. Tuy nhiên do công trình bị chậm tiến độ nên sang năm 2013 chúng tôi mới được về nhà mới, nhờ đó tôi cũng được giãn tiến độ đóng tiền. Bên cạnh đó, việc đóng tiền mua nhà chia thành nhiều đợt cũng giúp tôi dễ dàng xoay xở hơn.
Cứ như vậy, cho đến lúc nhận nhà và đóng 95% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư (5% chờ khi nhận được sổ đỏ sẽ đóng nốt), tôi chỉ phải vay ngân hàng tất cả 120 triệu (nhưng chỉ là vay dạng tín chấp từ lương của hai vợ chồng chưa cần thế chấp nhà của bố mẹ ở quê). Số tiền còn lại tôi vay mượn từ hơn 20 người là họ hàng, bạn bè. Tôi cũng làm một cuốn sổ ghi tên từng người, từng khoản vay, ngày vay tiền và lịch trả để không bị quên. Do sợ gây phiền hà cho mọi người nên tôi không dám vay một người quá nhiều. Số tiền mọi người cho tôi vay khá nhỏ, chỉ 5 – 10 triệu, người nhiều nhất là một cây vàng nên mọi người đều không lấy lãi. Tôi vẫn không quên có hai người anh dù rất ít liên hệ với vợ chồng tôi nhưng khi nghe chúng tôi nói rất cần tiền mua nhà trả góp đã lập tức đề nghị cho chúng tôi vay.
Đến cuối năm 2013, chúng tôi đã đóng hết 95% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư. Sau đó, vợ chồng tôi bắt đầu công cuộc trả nợ dần các khoản đã vay. Tôi ưu tiên trả trước cho những người đang cần tiền và ngân hàng rồi sau đến những người cho mình vay ít hơn (vì sẽ trả dễ hơn), cuối cùng là người cho vay số tiền lớn. Với những ai đòi đột xuất, giải pháp của tôi là vay nóng một người nào đó để trả. Vì thế, có những người cho tôi nợ nhiều lần, tức là sau khi tôi trả hết họ rồi, đến lúc tôi cần tiền, họ lại cho vay lần nữa. Vì thế tôi luôn cố gắng giữ uy tín, đã hứa trả ngày nào tôi sẽ thu xếp trả bằng được nên mọi người cũng yên tâm cho tôi vay.
Hiện tại hai vợ chồng tôi đã trả hết nợ ngân hàng và chỉ còn nợ người quen không lãi số tiền khoảng 100 triệu. Cuộc sống của chúng tôi bây giờ cũng không quá ngột ngạt, chỉ cần biết cách tiết kiệm một chút là được. Chẳng hạn chúng tôi sẽ tự ăn sáng ở nhà hoặc ăn bánh mì, xôi cho rẻ; mùa hè thì không đi du lịch mà cho con về quê để ông bà hỗ trợ…Đương nhiên, không ít lần tôi từng quay cuồng trong các cuộc điện thoại hỏi vay tiền, vay chỗ này đập chỗ kia. Đã có lúc tôi vô cùng bế tắc vì bị từ chối. Nhưng cuối cùng tôi thấy mình là người rất may mắn vì gặp được nhiều người quen tốt. Và nhất là, nếu tôi không liều cứ chờ đến khi gần đủ tiền mới mua nhà thì có lẽ chả bao giờ tôi có thể mua được.
Leave a Reply