Muốn bán nhà giá cao coi chừng sập “bẫy”
Kết luận nội dung tố cáo của ông Quyện, chủ tịch UBND quậnTân Bình xác nhận bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Văn phòng đăng ký đất đai quận đã để xảy ra sai sót về nghiệp vụ.
Cuối năm 2014, ông Nguyễn Văn Quyện (ngụ tại quận Tân Bình, Tp.HCM) bán căn nhà tại 335 Bis Lê Văn Sỹ (phường 1, quận Tân Bình) cho ông Trần Vũ Trường (thường trú tỉnh Bạc Liêu) với giá 58 tỷ đồng.
Ngày 2/10/2014, vợ chồng ông Quyện cùng ông Trường lập hợp đồng mua bán căn nhà tại văn phòng công chứng Hoàng Xuân (quận 5) .
Mua 58 tỷ, bán lại… 28 tỷ
Theo thỏa thuận, ông Trường trả trước cho ông Quyện 10 tỷ đồng ngay khi ký hợp đồng, số tiền còn lại sẽ thanh toán trong vòng 45 ngày.
“Trước đây tôi từng thế chấp giấy tờ nhà tại ngân hàng để lấy vốn làm ăn và còn nợ 8,8 tỷ đồng chưa thanh toán. Nên sau khi hợp đồng lập xong, tôi và ông Trường đưa nhau ra ngân hàng, ông Trường chuyển vào tài khoản của tôi số tiền 8,8 tỷ đồng để tôi tất toán nợ với ngân hàng sau đó quay trở lại văn phòng công chứng. Tại đây ông Trường trả cho tôi 1,2 tỷ đồng tiền mặt, như vậy là đủ 10 tỷ trả trước và hai bên đặt bút ký hợp đồng trước mặt công chứng viên” – ông Quyện kể.
Chưa hết mừng vì bán được nhà với giá cao và thủ tục suôn sẻ thì ông Quyện nhận được cảnh báo coi chừng đã bị ông Trường lừa từ một người có ý định mua lại căn nhà của ông.
Sực nhớ ra số tiền mà ông Trường khất nợ quá lớn, ông Quyện đã tới văn phòng công chứng đề nghị có biện pháp giúp ngăn chặn nếu chẳng may ông Trường rắp tâm lừa đảo. Tại đây, công chứng viên tư vấn nếu quá 45 ngày mà ông Trường không trả như đã cam kết thì ông Quyện mới kiện ra tòa.
Sau đó ông Quyện tìm tới Phòng Tài nguyên – môi trường quận Tân Bình thì được biết căn nhà của ông đã hoàn tất thủ tục sang tên cho ông Trường vào ngày 3/10/2014, liền ngay sau ngày ký hợp đồng.
Đến ngày 15/10/2014, ông Quyện nộp đơn đề nghị Phòng Tài nguyên môi trường quận Tân Bình ngăn chặn nếu ông Trường chuyển nhượng tài sản trên cho người khác.
Nhưng đến ngày 16/10/2014, ông Trường đã ký trót lọt hợp đồng chuyển nhượng căn nhà 335Bis Lê Văn Sỹ cho bà H.N.Đ. (ngụ Hải Phòng) với giá… 28 tỷ đồng tại Phòng công chứng quận 10.
Đi khỏi chứ không bỏ trốn!
Biết đã bị ông Trường lừa, ông Quyện đến Văn phòng đăng ký đất đai và Phòng Tài nguyên môi trường quận Tân Bình đề nghị có biện pháp ngăn chặn tuy nhiên ông đều bị từ chối và đề nghị ông phải chờ hết thời hạn thanh toán theo hợp đồng.
Ngày 17/11/2014 đã quá hạn trả nốt số tiền theo cam kết nhưng ông Trường chỉ chuyển khoản thêm cho ông Quyện 1 tỷ đồng và viết giấy cam kết đến cuối tháng sẽ trả 47 tỷ còn lại.
Nhưng cuối tháng ông Trường tiếp tục thất hứa và hai bên ra công chứng ký hợp đồng bổ sung với nội dung đến ngày 1/12/2014 nếu không trả hết nợ thì ông Trường phải chịu mất 11 tỷ đã thanh toán và phải chuyển trả quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản về cho ông Quyện.
Tới hạn, ông Trường bặt vô âm tín. Ông Quyện khởi kiện vụ việc ra TAND quận Tân Bình. Nhưng do ông Trường không còn ở nơi cư trú nên tòa án không thể triệu tập để giải quyết vụ kiện.
Ngày 26/1/2015, phát hiện ông Trường cho người đến Chi cục Thuế quận Tân Bình làm thủ tục trước bạ sang tên cho bà Đ., ông Quyện lập tức báo Công an phường 13 (quận Tân Bình) đến mời về phường lập biên bản và thu giữ giấy tờ nhà, sau đó giao nộp lại cho TAND quận Tân Bình.
Nhận định ông Trường có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên TAND quận Tân Bình đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra cùng cấp đề nghị xử lý.
Tuy nhiên cả hai cấp điều tra của Công an quận Tân Bình lẫn Công an Tp.HCM đều xác nhận ông Trường không có mặt ở nơi cư trú trong khi chưa đủ căn cứ kết luận ông Trường bỏ trốn nên không thể xác định ý thức chiếm đoạt của ông Trường.
Mặt khác, vì ông Trường mua nhà của ông Quyện bằng hợp đồng hợp pháp và đã được chuyển quyền sở hữu nên ông Trường có quyền tặng cho hoặc bán cho người khác với bất cứ giá nào. Đây chính là lý do khiến cơ quan điều tra chuyển trả hồ sơ về TAND quận Tân Bình để giải quyết vụ việc theo thủ tục dân sự.
Có sai sót về nghiệp vụ
Khi đi khiếu nại, ông Quyện phát hiện ra nhiều chi tiết phi lý khiến ông đặt dấu hỏi hành vi lừa đảo của ông Trường có sự tiếp tay của cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai quận Tân Bình.
Cụ thể, hợp đồng mua bán nhà giữa vợ chồng ông và ông Trường được công chứng vào cuối giờ chiều ngày 2/10/2014 thì ngay ngày hôm sau giấy tờ nhà đã được cập nhật đổi chủ từ vợ chồng ông sang ông Trần Vũ Trường.
“Theo tôi được biết, để được cập nhật sang tên thì phải qua hàng loạt thủ tục gồm: đề nghị xóa đăng ký thế chấp, khai và nộp thuế trước bạ, đề nghị đăng ký biến động. Mỗi thủ tục ít nhất cũng phải mất một ngày và không thể thực hiện cùng lúc. Nếu không có sự chuẩn bị từ trước thực sự không thể có chuyện giấy tờ nhà của tôi lại được chuyển tên cho ông Trường thần tốc đến vậy” – ông Quyện nói.
Ông Quyện cũng đã gửi đơn tố cáo đến UBND quận Tân Bình và Sở Tài Nguyên môi trường rằng đã có sự giúp sức của cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai quận Tân Bình để ông Trần Vũ Trường thực hiện lừa đảo.
Căn cứ để ông Quyện tố cáo là trong một văn bản Văn phòng đăng ký đất đai quận Tân Bình chứng nhận thời điểm xóa thế chấp căn nhà 335Bis Lê Văn Sỹ của ông là vào lúc 18h06 ngày 30/9/2014. Do đó, ông Quyện khẳng định: “Đây là điều phi lý. Mãi đến chiều ngày 2/10/2014 tôi mới thanh toán nợ với ngân hàng để lấy giấy tờ nhà đem tới phòng công chứng ký hợp đồng bán cho ông Trường vậy mà việc xóa thế chấp lại được thực hiện trước đó…ba ngày”.
Kết luận nội dung tố cáo của ông Quyện, chủ tịch UBND quậnTân Bình xác nhận bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Văn phòng đăng ký đất đai quận đã để xảy ra sai sót về nghiệp vụ.
Tuy nhiên việc giải quyết hồ sơ cập nhật sang tên ngay trong ngày là không sai, vì luật chỉ quy định thời hạn tối đa 10 ngày chứ không quy định thời hạn tối thiểu. Trong khi đó, phía Sở Tài Nguyên môi trường Tp.HCM thì cho rằng vụ việc đang được TAND quận Tân Bình thụ lý nên chờ kết luận của tòa!
Leave a Reply